Côn Đảo ngày nay là một hòn đảo xinh đẹp yên bình thuộc Bà Rịa Vũng Tàu. Biển xanh cát trắng đầy nắng của Bãi Đầm Trầu, những di tích về một thời kì đau thương như Dinh Chúa Đảo, nhà tù Phú Hải, chuồng cọp kiểu Pháp, kiểu Mỹ, nghĩa trang Hàng Dương sẽ giúp du khách hiểu hơn về những giá trị lịch sử của đảo, đồng thời là địa điểm tham quan tâm linh khi viếng thăm Miếu Cậu, Miếu Bà Phi Yến, mộ chị Võ Thị Sáu.
- NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG
Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam với những cái tên tiêu biểu trong sử sách nước nhà như Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong, Cao Văn Ngọc, Nguyễn An Ninh, v.v., kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong nhà tù Côn Đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Từ những năm 1862 đến 1975, trải qua nhiều đòn roi tra tấn khốc liệt tại Nhà tù Côn Đảo và sự bạo tàn của cai ngục, những người tù chính trị đã không may qua đời. Trước kia, họ được chôn cất tại Nghĩa Trang Hàng Keo, tuy nhiên sau này khi bên ấy không còn đủ chỗ nữa nên Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo đã được xây dựng để phục vụ mục đích cải táng, di dời.
Có diện tích rộng 190.000m2 với bốn khu, bao gồm khu A, khu B, khu C và khu D, nghĩa trang là nơi an nghỉ của các tù nhân trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay, tại nghĩa trang này vẫn còn đó hàng ngàn nấm mộ vô danh như một minh chứng rõ ràng nhất về sự khốc liệt của chiến tranh, sự bạo tàn, độc tài của đế quốc và thực dân đối với dân tộc ta thời kỳ trước. Đến ngày 10/5/2012, Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo đã chính thức được công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia, có giá trị lịch sử to lớn trong cuộc đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc.
2. THIẾU GIA MIẾU
Thiếu Gia Miếu còn có tên gọi khác là Miếu cậu Hoàng Tử Cải Côn Đảo, cách khu vực trung tâm thị trấn khoảng 4km về phía Bắc. Ngôi miếu này gần Bãi Đầm Trầu Côn Đảo, cách sân bay Cỏ Ống khoảng 800m. Vì thế ngay khi xuống máy bay, trên đường trở về trung tâm thành phố, bạn có thể ghé đến ngôi miếu này dâng hương lên hoàng Tử Cải.
Truyền thuyết về Bà Phi Yến và Hoàng Tử Cải
“Gió đưa cây Cải về trời
Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
Đây là câu ca rất quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là người dân ở Côn Đảo. Lời ca gắn liền với câu chuyện khá bi thương về ngôi Miếu nhỏ tại Côn Đảo. “Cải” và “Rau răm” được nhắc đến trong câu ca trên chính là bà Phi Yến và Hoàng Tử Cải. Bởi vì bà Hoàng Phi Yến tên tục là Lê Thị Răm và Hoàng tử Hội An tên tục là Hoàng tử Cải.
Lúc bà Phi Yến bị đưa đến hoang đảo, Hoàng tử Cải chỉ mới 5 tuổi nhưng rất thông minh và thương mẹ. Hoàng tử đã cầu xin vua thả mẹ ra và đưa bà đi cùng, nếu không có mẹ hoàng tử sẽ không đi theo. Quá tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con trai xuống biển, thi thể của hoàng tử trôi vào làng Cỏ Ống. Thương xót trước số phận của hoàng tử và tấm lòng hiếu thảo của cậu, dân làng đã chôn cất và xây miếu thờ gần bãi Đầm Trầu.
Sau đó, bà Phi Yến được dân làng cứu ra, nhưng bà đã tự kết liễu đời mình năm 24 tuổi vì quá nhớ thương con. Từ đó, người dân tại Côn Đảo truyền lại nhiều câu chuyện khá linh thiêng của hai mẹ con bà Phi Yến, nhiều lần hiển linh giúp dân chúng thoát cảnh lầm than. Do đó miếu Bà Phi Yến và Miếu cậu Hoàng Tử Cải ngày nay vẫn nghi ngút khói hương, là chỗ dựa tinh thần cho người dân tại Côn Đảo.
Những điều thu hút khách tham quan đến Miếu Hoàng Tử Cải
Sự linh thiêng và điềm lành
Người dân tại Côn Đảo kể lại rằng, hoàng tử Cải là người con hiếu thảo và thương người. Cậu luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với người dân. Vì vậy, nếu ai viếng Miếu Cậu Hoàng Tử Cải thành tâm thì sẽ có sức khỏe tốt, bình an, gặp nhiều may mắn, thành công và được Cậu che chở, phù hộ. Bên cạnh đó, trước Miếu còn có hai con ngựa trắng, người dân tin rằng nếu nam đi 7 vòng và nữ đi 9 vòng quanh ngựa sẽ có thể chữa được bệnh về xương khớp.
Người dân đến viếng thăm Miếu Cậu với mong muốn được phù hộ, may mắn và thành công
Không gian yên tĩnh, thanh bình
Miếu cậu Hoàng Tử Cải không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh ở Côn Đảo mà nơi đây còn sở hữu không gian mát mẻ, yên tĩnh. Khu vực khuôn viên xung quanh miếu trồng rất nhiều cây xanh, những tán cây cổ thụ rợp bóng mát. Ngoài ra, miếu còn được người dân chăm sóc, dọn dẹp hàng ngày nên sạch sẽ, tươm tất.
Ngày giỗ của Hoàng Tử cải rất nhộn nhịp
Vào những ngày thường đến Miếu Cậu Hoàng Tử Cải sẽ khá vắng lặng, du khách có thể dâng hương, vãn cảnh, nghỉ chân. Nhưng đến ngày giỗ Cậu, không khí sẽ rất tưng bừng và nhộn nhịp. Ngày giỗ của Hoàng Tử Cải rơi vào ngày 22 tháng 10 âm lịch hàng năm. Người dân Côn Đảo cùng nhau làm giỗ cho Hoàng tử với mâm lễ đầy đủ đồ ngọt, đồ mặn, hoa, quả…
Nếu đến miếu vào dịp này, du khách nhớ mua ít lễ để dâng lên Cậu, mong cầu điều may mắn và bình an trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng người dân chuẩn bị lễ hội, dọn dẹp khuôn viên, nấu ăn…
3. TRẠI PHÚ BÌNH
Trại giam Phú Bình nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trại giam được tù nhân đặt cho cái tên là “Chuồng cọp kiểu Mỹ” . Nổi tiếng với các hình thức tra tấn tinh thần và thể xác những người tù yêu nước Việt Nam. Liên hệ đặt vé tour Côn Đảo tại Vbuk International để hiểu rõ về nhà tù Phú Bình bạn nhé.
Trại giam Phú Bình được xây dựng từ năm 1971 đến năm 1973 thường được gọi là Trại 7. Hiệp định Paris được ký kết, nhà tù được đổi tên gọi trại Phú Bình. Tổng diện tích 25.788m2, trong đó có 9.630m2 phòng giam. Được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông gồm 384 phòng giam, được chia làm 4 khu lớn: AB, CD, EF, GH. Trong mỗi khu lớn lại chia thành 2 khu nhỏ ví dụ Khu A, Khu B. Mỗi khu nhỏ có 48 phòng chia 2 dãy.
Đây là trại giam được người Mỹ đầu tư thiết kế và xây dựng (hãng thầu RMK). Là nhà tù khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng cuộc chiến tranh Việt Nam. Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ đã dùng cả yếu tố bất lợi của thiên nhiên để xây dựng nhà tù này nhằm đày ải tù nhân đến mức cùng cực nhất về tinh thần và thể xác. Bên trên dãy xà lim không có lối đi như Chuồng Cọp Pháp, được lợp mái tôn xi-măng rất thấp. Bên ngoài là bếp, trạm xá, kho, khu nhà ở của đội trật tự và văn phòng của Trưởng trại.
Khác với cách thiết kế, xây dựng của thực dân Pháp (rộng rãi, có hành lang thoáng). Trại Phú Bình nhìn bề ngoài khá bình thường không mấy đặc biệt nhưng vô cùng thực dụng rất đơn giản mà hiệu quả. Thiết kế đánh ngay vào tâm lý con người. (Nhà thiết kế nhà tù tự vỗ ngực tuyên bố, nếu bị giam ở đây chỉ có điên và chết). Người Mỹ xây dựng các khu giống nhau, chiều rộng tối đa giữa các dãy phòng giam chỉ 1m, rất chật chội. Phòng giam nằm sát nhau và không hề có giường và nhà vệ sinh. Đến bệ nằm như của nhà giam Pháp cũng không có, đêm về người tù phải nằm trên nền xi măng lạnh giá ẩm thấp, khí đất xông lên. Mỗi phòng giam chưa đến 5m², chỉ được đặt một thùng gỗ nhỏ cho tù nhân đại, tiểu tiện, có thời điểm mỗi phòng giam từ 8 đến 10 người, các thùng gỗ này đến vài tuần không được cho đổ, phòng giam không khác nào nhà vệ sinh bẩn thỉu hôi thối nhằm tra tấn tinh thần những người tù cộng sản. Ban ngày trời nắng hắt xuống nóng như thiêu như đốt, mùi ô uế xông lên. Trật tự nhà tù thường mở cửa sắt để kiểm tra từng phòng rồi đóng thật mạnh, tiếng kêu “Rầm” dội lên tai nhức óc. Hiện tại vẫn còn dấu tích vết máu trong một số phòng giam.
Trên đây là một số di tích lịch sử nổi tiếng của Côn Đảo, hãy liên hệ Vbuk International ngay để được nhận những ưu đãi và được tư vấn về tour Côn Đảo nhé!